Giới thiệu Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh

Tự hào với truyền thống của mình, giai cấp công nhân và những người lao động thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu khẳng định sẽ là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu

“DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”.

     Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ so với lịch sử 4000 năm của dân tộc, nhưng lại là một trong hai trung tâm lớn nhất về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước.

     Nơi đây, giai cấp công nhân ra đời rất sớm, có tổ chức Công hội đầu tiên và từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đội ngũ công nhân ở đây xứng đáng là lực lượng tiên phong, nòng cốt của phong trào cách mạng thành phố.

     Đội ngũ công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn từ khi ra đời đến khi trưởng thành trong suốt quá trình cách mạng đã không ngừng phát huy vai trò nòng cốt của mình trong phong trào cách mạng của thành phố. Phong trào công nhân tại thành phố này không chỉ vì quyền lợi thiết thân, vì cơm áo và quyền sống của mình mà còn vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cả tình hữu ái giai cấp với phong trào công nhân và cách mạng thế giới. Tính giai cấp, tính dân tộc và tính thời đại ngày càng thể hiện sâu sắc trong phong trào công nhân ở vị trí trung tâm này. Do đó phong trào công nhân ở đây luôn gắn chặt với phong trào cả nước, vì cả nước, cùng cả nước đấu tranh cho lợi ích của giai cấp và dân tộc. Công nhân lao động không chỉ tấn công trực tiếp vào chính sách cai trị vào bộ máy đầu não chiến tranh của địch để đi đến đánh đổ chúng mà còn hỗ trợ và tác động tích cực cho phong trào cách mạng ở nông thôn và rừng núi, còn đưa người vào chiến khu thành lập các binh công xưởng, đi bộ đội, làm cán bộ cách mạng ở khắp các địa phương, các miền của đất nước. Ngược lại, phong trào cách mạng ở các địa phương, ở cả nước cùng sự lãnh đạo của Trung ương, sự chi viện đắc lực của các địa phương đã tác động trực tiếp, đã cổ vũ liên tục và xuyên suốt đối với phong trào công nhân và nhân dân thành phố.

     Nửa thế kỷ – tính từ khi có Công hội năm 1925 đến năm 1975 – Đối mặt trực tiếp với chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, phong trào công nhân luôn quyện chặt với phong trào nông dân và các phong trào yêu nước khác, đã phản ánh khá đầy đủ và hài hòa tính dân tộc, tính giai cấp và tính thời đại của phong trào cách mạng thành phố.

     Nhìn lại quá trình đấu tranh cách mạng trên dưới nửa thế kỷ, công nhân lao động Sài Gòn – Chợ Lớn đã nối tiếp và nâng cao truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, đã xác lập và phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, cùng đồng bào các giới góp phần rất to lớn vào sự nghiệp giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

     Các phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn diễn ra liên tục, sâu rộng, đặc biệt là tại số nhà 14 đường Cách mạng tháng Tám Quận 1; nơi đây từ năm 1952 đến năm 1975 là trụ sở của Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam do Trần Quốc Bửu làm chủ tịch. Trần Quốc Bửu là tay sai cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cán bộ Công vận của Khu ủy Sài Gòn Gia Định đã xâm nhập vào Ban Chấp hành của Tổng Liên đoàn Lao công và các nghiệp đoàn, lợi dụng thế công khai hợp pháp để lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân lao động thành phố.

     Nơi đây đã từng diễn ra liên tục quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đọ sức quyết liệt giữa Đảng của giai cấp công nhân và các thế lực thù địch cực kỳ phản động, nơi hình thành truyền thống của công nhân lao động thành phố, nơi mà nhiều công nhân lao động và cán bộ Công đoàn cách mạng đã bị tù đày và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và giai cấp. Đây là di tích tiêu biểu nhất, phản ánh tập trung nhất phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn đã góp phần quan trọng đẩy mạnh các phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm trong đô thị miền nam.

     Vào ngày 05 tháng 8 năm 2003, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 139/2003/QĐ-UB về việc xếp hạng di tích cấp Thành phố đối với: Di tích lịch sử Nhà số 14 Cách mạng tháng Tám, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

     Từ năm 1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thành phố đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, thể hiện bản lĩnh và sự năng động sáng tạo trong lao động, luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nhân, viên chức, lao động Thành phố đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển Thành phố. Những phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, “Thi đua về trước kế hoạch”,… là những phong trào thi đua được CNVC-LĐ đồng tình hưởng ứng. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều những gương điển hình tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan, doanh nghiệp và người lao động.

     Nhìn lại những năm đầu mới giải phóng, tình trạng thiếu vật tư, nguyên liệu, phụ tùng trong các nhà máy hết sức trầm trọng… song, lực lượng công nhân thành phố luôn đứng vững ở vị trí tiên phong, kiên trì bám máy, bám xưởng để sản xuất với những khẩu hiệu “Tháo gỡ để bung ra sản xuất”, “Tiết kiệm là quốc sách”… những chiến dịch “Điện Biên lao động sản xuất”, “100 ngày đêm”; các phong trào “Thi đua 3 giỏi”, “Phất cao cờ hồng Tháng 8”, “Thanh niên làm chủ khoa học kỹ thuật”… đã góp phần đưa sản xuất, đời sống của thành phố thoát khỏi những khó khăn, thử thách.

     Tiếp nối truyền thống của lớp thợ đàn anh tiêu biểu đi trước, lớp công nhân trẻ thành phố đã từng bước trưởng thành trong lao động sản xuất và là niềm tự hào của công nhân lao động thành phố. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi với năng suất chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã được hàng triệu lượt CNVC-LĐ tích cực hưởng ứng … Đặc biệt từ năm 2000 là phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật với giải thưởng Tôn Đức Thắng hàng năm đã có hàng trăm công trình sản phẩm mới, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi và tiết kiệm cho Nhà nước, doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.

     Các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức và phát động đã đạt hiệu quả rõ rệt, đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, nhiệt tình cách mạng, tinh thần lao động sáng tạo, ý thức tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm, vượt qua khó khăn của đội ngũ CNVC-LĐ. Qua phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu cho truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân; góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn cách mạng.

     Thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”; đội ngũ công nhân viên chức lao động đã và đang tích cực rèn luyện, học tập để nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật… nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.

     Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh hơn 40 năm qua, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, năm 2015, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

     Hơn lúc nào hết, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và Tổ chức Công đoàn Thành phố cần học tập sâu sắc những bài học phát huy vai trò tiên phong của giai cấp mình trong tình hình mới. Vai trò đó đang đòi hỏi đội ngũ công nhân, viên chức, lao động phải kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và trí tuệ khoa học, đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc, gắn bó chặt chẽ với Đảng, góp phần tích cực vào việc đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, giữ vững sự ổn định chính trị để cùng cả nước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

BAN CHẤP HÀNH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TP HỒ CHÍ MINH